Sự nghiệp thi đấu Maurice Richard

Cúp Stanley đầu tiên

Richard (trái) ngồi bên Toe Blake. Cặp đôi này cùng Elmer Lach tạo thành "Punch line" vào thập niên 1940.

Sau khi bình phục mắt cá chân kịp thời cho mùa giải 1941–42, Richard trở về giải Québec, chơi 31 trận và ghi được 17 điểm trước khi chấn thương lần nữa.[13] Richard bị gãy cổ tay sau khi vướng vào một hậu vệ và đâm vào lưới.[20] Richard trở lại thi đấu vòng loại trực tiếp. Nhờ kĩ năng Richard đã thể hiện tại giải Québec cộng với các hiện trạng khó khăn như thiếu cầu thủ do chiến tranh, thành tích yếu kém không thu hút được người hâm mộ hay thiếu cầu thủ thuộc cộng đồng Pháp ngữ, Richard liền có vị trí thử việc với Canadiens trong mùa giải 1942–43.[19][21] Anh ký hợp đồng trị giá 3.500 đô la một năm và thi đấu ra mắt với số 15 trong màu áo Canadiens.[22] Bàn thắng đầu tiên của Richard là vào lưới New York Rangers ngày 8 tháng 11 năm 1942.[23]

Chấn thương gãy chân một lần nữa lại khiến tân binh Richard phải ngồi ngoài sân chỉ sau 16 trận đấu.[24] Chuỗi gãy xương quá sớm trong sự nghiệp khiến giới quan sát băn khoăn liệu Richard có quá mong manh để thi đấu tại những cấp độ cao nhất không.[8] Anh thử đăng ký quân ngũ lần thứ hai nhưng lại bị từ chối vì chụp X-quang cho thấy xương chưa lành hẳn; mắt cá chân bị biến dạng vĩnh viễn buộc Richard phải thay đổi cách trượt băng. Cảm thấy nhục nhã khi bị từ chối, anh tăng cường tập luyện và hoàn toàn khỏe mạnh khi trình diện tại trại tập huấn Montréal cho mùa giải 1943–44.[25] Richard cũng đổi áo sang số 9 bằng với cân nặng 9 pound của con gái Huguette mới ra đời.[26]

Giữ khỏe mạnh trong suốt mùa giải, Richard chơi 46 trong số 50 trận của Montréal. Anh đứng thứ ba tại Canadiens với 32 bàn thắng và 54 điểm.[27] Mùa giải NHL trọn vẹn đầu tiên không chỉ chấm dứt những chỉ trích về khả năng thi đấu mà còn khiến Richard trở thành một trong những cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải đấu.[24] Huấn luyện viên Dick Irvin chuyển Richard từ cánh trái sang cánh phải và xếp anh chơi chính cùng với Toe BlakeElmer Lach. Với biệt danh "Punch line", bộ ba là nhóm ghi điểm thống trị suốt thập niên 1940.[8] Đội Canadiens chỉ thua sáu trận sau tháng 10, và tiếp tục giành Cúp Stanley đầu tiên sau 13 năm.[24] Richard dẫn đầu giải đấu với 12 bàn thắng trong trận playoff,[28] bao gồm cả nỗ lực ghi 5 bàn vào lưới Toronto Maple Leafs trong trận bán kết. Anh bằng với kỷ lục NHL của Newsy Lalonde về số bàn thắng trong một trận playoff (kể từ đó có thêm ba cầu thủ đạt thành tích này) và được nhà báo Charles Mayer bầu chọn là cầu thủ ngôi sao thứ nhất, thứ nhì và thứ ba của trận đấu.[29] Richard được xướng tên trong đội hình ngôi sao NHL thứ hai sau mùa giải. Đây là lần đầu tiên trong 14 năm liên tiếp anh được vinh danh là ngôi sao của giải đấu.[30]

50 bàn trong 50 trận

Mùa giải NHL 1944–45 là mốc kỷ lục đối với Richard. Lần đầu tiên anh lập nên dấu ấn mới về số điểm trong một trận đấu với 5 bàn thắng và 3 đường kiến tạo góp phần thắng 9–1 trước Detroit Red Wings ngày 28 tháng 12 năm 1944; 8 điểm của Richard đã xô đổ kỷ lục 7 điểm của ba cầu thủ trước đó,[31] và giữ vững trong 32 năm tiếp theo cho đến khi bị Darryl Sittler vượt qua năm 1976.[32] Thành tích này còn ấn tượng hơn nếu biết Richard vừa mất sức khi chuyển nhà đến ngay chiều hôm đó.[33] Anh tiếp tục ghi bàn với hiệu suất chưa từng thấy, và đến tháng 2 năm 1945 đã chạm tới kỷ lục 44 bàn trong một mùa giải của Joe Malone lập lúc 27 tuổi mùa giải 1917–18.[34] Ngày 25 tháng 2 năm 1945, Richard phá kỷ lục bằng chiến thắng 5–2 trước Toronto. Malone đã có mặt để tặng Richard trái puck trong bàn thắng thứ 45.[35]

Richard năm 1945. Thành tích 50 bàn trong 50 trận chỉ bị Mike Bossy chạm tới vào mùa giải 1980–81.[36]

Khi Richard sắp được 50 bàn thắng trong mùa giải, đối thủ càng quyết liệt hơn ngăn anh ghi bàn. Richard phải đối mặt với những lỗi chém, móc khi qua người, hoặc lao cả người vào lưng anh.[33] Richard không thể ghi bàn trong 8 trận. Ngày 18 tháng 3, anh có trong tay 49 bàn để bước vào trận cuối của Montréal ở vòng đấu tính điểm gặp Boston Bruins.[33] Khi trận đấu chỉ còn 2:15, Richard ghi bàn dấu mốc tạo nên chiến thắng 4–2 cho Montréal.[37] Anh trở thành cầu thủ đầu tiên ghi được 50 bàn thắng trong một mùa giải, kỷ lục này được giữ cho đến mùa giải 1960–61, khi cầu thủ Canadiens khác là Bernie "Boom Boom" Geoffrion cũng ghi 50 bàn trong 64 trận đấu vòng tính điểm.[38] Dấu ấn Richard chỉ thực sự bị vượt qua vào mùa giải 1965–66 khi Bobby Hull ghi 54 bàn sau 65 trận cho Chicago Blackhawks. Thành tích 50 bàn trong 50 trận của Richard cũng đi vào lịch sử NHL trở thành một trong những tiêu chuẩn thành tựu danh giá nhất. Phải đến 36 năm sau, Mike Bossy mới tái hiện được điều này tại mùa giải 1980–81, hiện cũng chỉ có 4 cầu thủ có thể sánh ngang với thành tích 50 bàn trong 50 trận sau 70 năm mà Richard kiến lập.[39] Richard kết thúc mùa giải với 73 điểm, kém Lach 7 điểm và hơn Blake 6 điểm, khi dàn Punch line đứng ba vị trí ghi điểm cao nhất giải. Richard cũng về thứ hai sau Lach trong bầu chọn nhận Cúp Hart cho cầu thủ xuất sắc nhất.[40]

Các nhà phê bình cho rằng thành tích ghi bàn của Richard là do bối cảnh chiến tranh khi nhiều nhân tài phải ra mặt trận; khi họ trở lại vào mùa giải 1945–46, tuy Richard vẫn giành được Cúp Stanley thứ hai với Montreal, nhưng hiệu suất ghi bàn đã giảm gần một nửa xuống còn 27. Mùa giải 1946–47, Richard một lần nữa trở thành vua phá lưới với tổng cộng 45 bàn trong 60 trận và lần duy nhất nhận Cúp Hart cho cầu thủ xuất sắc nhất.[41][42] Trong sự nghiệp thi đấu, anh được năm lần bầu chọn nữa nhưng chỉ về nhì hoặc thứ ba. Đối thủ tiếp tục chọc giận hoặc làm Richard chán nản vì biết rằng có thể loại anh khỏi sân khi Richard trả đũa và ẩu đả thô bạo.[43] Sự cố như vậy đã xảy ra trong vòng chung kết Cúp Stanley 1947 khi Richard nhận án cấm vì dùng gậy đập vào đầu Bill Ezinicki đội Toronto.[44] Richard không được ra sân trong trận thứ ba của vòng đấu, Maple Leafs của Toronto giành chiến thắng.[45]

Với tư cách đương kim cầu thủ xuất sắc nhất, Richard đòi tăng lương trước mùa giải 1947–48. Tổng quản lý Frank Selke từ chối, ngay cả khi Richard và đội trưởng Émile Bouchard không chịu thi đấu. Cuối cùng, cả hai đều phải nhượng bộ và quay trở lại khi mùa giải bắt đầu.[46] Punch line tan rã sau khi Blake bị chấn thương chân kết thúc sự nghiệp.[41] Mùa giải của Richard cũng kết thúc sớm do chấn thương đầu gối nên không chơi được những trận cuối.[46] Anh đứng thứ nhì về số điểm, ghi được 53 điểm sau 53 trận, nhưng Montréal không vào được vòng playoff.[47] Mùa giải 1948–49 chỉ ghi được 38 điểm, Richard lại có 65 điểm trong mùa giải tiếp theo và lần thứ ba dẫn đầu NHL với 43 bàn thắng.[13][42] Mùa giải 1950–51, Richard ghi được 42 bàn thắng,[13] trong đó có bàn thắng thứ 271 trong sự nghiệp, giúp anh trở thành người dẫn đầu danh sách ghi bàn mọi thời đại của Montréal.[48]

Cầu thủ ghi điểm mọi thời đại

Richard đẫm máu bắt tay thủ môn Jim Henry đội Boston sau chiến thắng của Canadiens ở bán kết Cúp Stanley năm 1952.

Richard bỏ lỡ hơn 20 trận mùa giải 1951–52 do chấn thương,[49] nhưng đã vượt qua cú thương tích ở vòng playoff.[50] Trong trận đấu thứ bảy mang tính quyết định với Boston ở bán kết, Richard bị Leo Labine va chạm bất tỉnh chốc lát khi ngã đập mặt vào đầu gối Bill Quackenbush.[50] Dù còn choáng, Richard trở lại thi đấu vào cuối hiệp ba sau khi vết rách lớn trên mắt được khâu lại. Huấn luyện viên Canadiens Dick Irvin cho Richard trở lại sân băng vào những phút cuối dù biết đầu Richard bị chấn động. Richard ghi bàn quyết định trong chiến thắng 2-1 đưa Montréal vào Chung kết Cúp Stanley 1952.[51] Sau trận đấu, nhiếp ảnh gia Roger St. Jean đã chụp được cảnh Richard mặt đẫm máu và đang loạn hướng bắt tay thủ môn Jim Henry đội Boston, người có vẻ đang cúi đầu trước cầu thủ Montréal đã tạo nên "bàn thắng bất tỉnh".[52] Bức ảnh này là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của Richard.[51] Ở chung kết, Montréal thua Detroit 4 trận liên tiếp.[53]

Mùa giải 1952–53 bắt đầu bằng việc Richard bám đuổi sát sao kỷ lục NHL mọi thời đại 324 bàn thắng của Nels Stewart.[54] Ngày 29 tháng 10 năm 1952, Richard cân bằng kỷ lục ở Toronto với hai bàn vào lưới Maple Leafs, thành tựu này được chính người hâm mộ bên đối thủ hoan hô nhiệt liệt.[55] Trong khi người hâm mộ điên cuồng dõi theo mong chờ dấu ấn kỷ lục mới, anh không thể ghi bàn trong ba trận đấu tiếp theo.[56] Ngày 8 tháng 11, trong trận gặp Chicago, Richard ghi bàn thắng thứ 325 của mình vào phút 10:01 hiệp hai. Theo Montreal Gazette, người hâm mộ đã hoan nghênh thành tựu của Richard đến nỗi "rung chuyển xà nhà" tòa Forum thành phố Montréal.[57] Kết thúc mùa giải với tổng 61 điểm và 28 bàn thắng dẫn đầu đội, Richard trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử NHL ghi ít nhất 20 bàn thắng mỗi mùa trong 10 mùa giải đầu tiên.[58] Thêm 7 bàn thắng của Richard trong 12 trận playoff, đội Canadiens đánh bại Boston trong trận chung kết 1953 để giành chức vô địch Cúp Stanley sau khoảng thời gian dài từ năm 1946.[13][59]

Mùa giải 1953–54, Richard lần thứ tư dẫn đầu về số bàn thắng với 37 bàn. Tiếp tục là lần thứ năm mùa giải 1954–55 với 38 bàn ngang bằng với Bernie Geoffrion.[42] Ngày 18 tháng 12 năm 1954, Richard ghi bàn thắng thứ 400 trong sự nghiệp vào lưới Chicago.[60]

Bạo loạn Richard

"Campbell đã làm gì khi Jean Béliveau bị Bill Mosienko đội Chicago và Jack Evans bị Rangers cố tình gây thương tích hai lần? Không cấm, không phạt, không đình chỉ. Ông ta có đình chỉ Gordie Howe đội Detroit khi suýt đập vào mắt Dollard St. Laurent không? Không! ... Thật kỳ lạ là chỉ có Dick Irvin và tôi mới có đủ can đảm mạo hiểm sinh kế chính mình bằng cách bảo vệ quyền lợi của mình trước kẻ độc tài như vậy."

—Sau những lời này, Richard bị Campbell ép ngừng viết bài cho Samedi-Dimanche.[61]

Các cầu thủ đối phương tiếp tục cố gắng ngăn chặn Richard bằng va chạm, và anh thường trả đũa bằng sức mạnh tương ứng. Tình huống này dẫn đến mối thù truyền kiếp với Chủ tịch NHL Clarence Campbell.[62] Richard từng bị Campbell phạt rất nhiều lần vì các sự cố trên sân băng và có lúc bị buộc phải trả 1.000 đô la "án treo cho hạnh kiểm tốt"[lower-alpha 2] sau khi chỉ trích Campbell trên chuyên mục hàng tuần của Samedi-Dimanche.[63] Richard là một trong nhiều người ở Québec tin rằng Campbell đối xử với các cầu thủ Canada gốc Pháp khắc nghiệt hơn cầu thủ gốc Anh.[64] Bất đồng âm ỉ nổ ra sau sự cố với đội Boston ngày 13 tháng 3 năm 1955 khi Hal Laycoe dùng gậy đánh vào đầu Richard.[65] Richard trả đũa bằng cú chém ác ý vào đầu Laycoe, sau đó đấm trọng tài biên Cliff Thompson khi can thiệp vào.[66] Cảnh sát Boston định bắt giữ Richard vì tội hành hung, nhưng ban huấn luyện Montréal và các đồng đội từ chối cho cảnh sát vào can thiệp.[67]

Sau hai ngày cân nhắc, Campbell thông báo cấm Richard các trận còn lại vòng tính điểm và cả vòng playoff. Richard khi đó đang dẫn đầu cuộc đua ghi điểm của mùa giải.[68] Trong cộng đồng Anh ở Canada, Campbell được tán dương vì đã làm những gì có thể để kiểm soát một Richard bất ổn. Hầu hết mọi người lúc đó không biết rằng Campbell đã từ lâu muốn ra lệnh cấm lâu dài với Richard vì những lần nóng tính của anh trước đó. Tuy nhiên, trên cương vị chủ tịch NHL, Campbell phải chịu trách nhiệm với các ông bầu giải đấu và họ không muốn thấy án cấm nặng như vậy dành cho cầu thủ ngôi sao đang giúp tăng lượng khán giả.[69] Ở Québec nói tiếng Pháp, án cấm thi đấu bị coi là sự bất công, hình phạt vô lý mà những kẻ Ăng-lê dành cho người hùng của cộng đồng Pháp ngữ.[8] Những người ủng hộ Richard phản ứng giận dữ với Campbell, gửi lời dọa giết. Khi ngồi xuống trong trận tiếp theo của Canadiens, ông bị người hâm mộ quá khích ném trứng, rau và các thứ khác vào người.[65] Một người còn ném cả bom hơi cay vào Campbell, khiến cả tòa Forum phải sơ tán và trận đấu bị hủy theo hướng có lợi cho Detroit. Những người hâm mộ chạy ra gặp ngay một đám đông biểu tình tụ tập bên ngoài trước cả lúc bắt đầu trận đấu.[65]

Đám đông hơn 20.000 người trở thành bạo loạn. Cửa sổ, cửa ra vào của Forum và các cửa hàng xung quanh bị đập phá. Cho đến sáng hôm sau, từ 65 đến 70 người đã bị bắt giữ.[70] Hơn 50 cửa hàng bị cướp phá và 37 người bị thương. Thiệt hại ước tính khoảng 100.000 đô la (quy đổi tương đương 971.631 đô la năm 2020[71]).[65] Richard cũng có mặt nhưng rời đi ngay sau khi trận đấu hủy. Frank Selke cố thuyết phục anh trở lại để giải tán đám đông, nhưng Richard từ chối vì sợ rằng thay vào đó sẽ lại làm họ quá khích hơn.[72] Hôm sau, Richard lên đài phát thanh và đề nghị mọi người giữ bình tĩnh: "Đừng làm hại gì thêm nữa. Hãy đứng sau đội tuyển cho vòng playoff. Tôi sẽ nhận hình phạt của mình và trở lại vào năm sau, giúp câu lạc bộ cũng như các cầu thủ trẻ hơn đoạt Cúp."[65]

Án cấm khiến Richard vuột mất Cúp Art Ross cho cầu thủ ghi nhiều điểm nhất, chỉ kém đồng đội Geoffrion đúng một điểm.[40] Richard không bao giờ giành được danh hiệu này, chỉ có năm lần về nhì trong cả sự nghiệp. Người hâm mộ Montréal la ó Geoffrion khi vượt qua Richard trong ngày cuối cùng của vòng tính điểm.[73] Những người hâm mộ tiếp tục chế nhạo Geoffrion trong mùa giải tiếp theo.[74] Không có Richard, Montréal để thua 4 trận (trong 7 trận) trong Chung kết Cúp Stanley 1955.[75] Richard đã phải cố gắng kiếm chế cơn tức giận trước thất bại cay đắng này.[76]

Đội trưởng của triều đại

Richard thực hiện lời hứa với người hâm mộ Canadiens bằng cách dẫn dắt Montréal đoạt Cúp Stanley mùa giải 1955–56 – khởi đầu cho chuỗi vô địch 5 lần liên tiếp chưa từng có đối với một đội khúc côn cầu.[75] Khi mùa giải bắt đầu, em trai Henri gia nhập trở thành đồng đội chơi ở vị trí trung phong với biệt hiệu "Pocket Rocket" (Tên lửa bỏ túi) trong đội hình Canadiens.[77] Mùa giải cũng đánh dấu sự trở lại của đồng đội trong Punch line trước đây là Toe Blake với nhiệm vụ huấn luyện viên trưởng.[78] Cùng với tổng quản lý Frank Selke, Blake đã làm việc với Richard để tiết chế tính cách nóng nảy của anh và đối phó với sự khiêu khích của đối thủ bằng cách ghi bàn chứ không phải đánh lộn trả đũa.[79] Richard kết thúc mùa giải với 38 bàn thắng và 71 điểm, đứng thứ nhì sau Jean Béliveau được 47 bàn thắng và 88 điểm.[80] Richard ghi thêm 14 điểm sau 10 trận playoff khi Montréal đánh bại Detroit để giành Cúp Stanley.[81] Anh ghi bàn thứ hai và bàn quyết định trong trận cuối với chiến thắng 3–1.[82]

Bước vào mùa giải NHL thứ 15 của Richard 1956–57, đồng đội chỉ định anh làm đội trưởng Canadiens, kế nhiệm Émile Bouchard đã về hưu trước mùa giải.[83] Với 33 bàn thắng và 62 điểm, Richard một lần nữa xếp thứ nhì trong đội dưới Béliveau.[84] Ở vòng loại trực tiếp, anh ghi bàn trong hiệp phụ ở trận thứ năm bán kết loại New York, rồi ghi tiếp bốn bàn trong chiến thắng 5–1 trước Boston ở trận đầu tiên vòng chung kết trên đường giành chức vô địch thứ hai liên tiếp cho Montréal, nằm trong chuỗi 5 lần vô địch liên tiếp.[85]

Richard đạt mốc ghi bàn quan trọng vào đầu mùa giải 1957–58. Trong hiệp một của trận thắng 3–1 trước Chicago ngày 19 tháng 10 năm 1957, anh trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử NHL ghi được 500 bàn thắng trong sự nghiệp thi đấu.[86] Khi Richard đang ăn mừng bàn thắng cùng đồng đội, thông điệp đã lan truyền cả tòa Montreal Forum: "Bàn thắng của Canadiens, do chính ông Hockey ghi được, Maurice Richard".[87] Richard chỉ chơi 28 trận vòng tính điểm, ghi được 34 điểm,[13] và phải nghỉ ba tháng do đứt gân achilles.[88] Hồi phục kịp thời cho vòng loại trực tiếp, Richard dẫn dắt Montréal với 11 bàn thắng và 15 điểm giúp đội đoạt Cúp Stanley lần thứ ba liên tiếp. Anh ghi bàn thắng trong hiệp phụ ở trận đấu thứ năm vòng chung kết với Boston. Đó là bàn thắng thứ sáu trong các hiệp phụ trận playoff và là bàn thắng thứ ba trong các trận chung kết của Richard, cả hai đều là kỷ lục NHL.[89]

Áo thi đấu trong mùa giải cuối cùng của Richard

Ở tuổi 37, Richard là cầu thủ lớn tuổi nhất NHL mùa giải 1958–59.[90] Anh ghi 38 điểm trong 42 trận,[13] nhưng vắng mặt sáu tuần do vỡ mắt cá chân.[90] Chấn thương gãy xương gò má tiếp tục ập đến trong mùa giải 1959–60 khiến anh phải nghỉ thi đấu một tháng.[91] Tuy vậy, Montréal vẫn giành được Cúp Stanley trong cả hai mùa giải. Richard không ghi được điểm nào trong bốn trận Chung kết Cúp Stanley 1959 nhưng ghi được một bàn và kiến tạo ba bàn trong Chung kết năm 1960.[13] Đây là lần thứ bảy và thứ tám Richard cùng đội bước lên bục vô địch,[42] năm lần vô địch liên tiếp của Montréal vẫn là một kỷ lục.[92] Đội hình Canadiens những năm 1956–60 được NHL xếp hạng là một trong tám triều đại khúc côn cầu.[93]

Pha ghi bàn trong trận playoff là bàn thắng cuối cùng của Richard, vì anh tuyên bố giải nghệ cầu thủ ngày 15 tháng 9 năm 1960.[94] Mùa thu ấy, Richard đã trình diện đến trại huấn luyện Montréal nhưng Selke buộc Richard phải kết thúc sự nghiệp thi đấu vì lo sợ nguy cơ anh dính chấn thương nghiêm trọng. Trong bài phát biểu giải nghệ, Richard nói đã có dự định trong hai năm và trò chơi đã quá nhanh so với tuổi 39 của mình.[95] Nghe tin Richard giải nghệ, Gordie Howe dành lời khen ngợi cho đối thủ cũ: "Anh ấy chắc chắn là con át chủ bài. Anh ấy đã mang đám đông khán giả đến trả lương cho chúng tôi. Richard chắc chắn là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất và chúng tôi sẽ nhớ anh."[96]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Maurice Richard http://www.biographi.ca/en/bio.php?id_nbr=7992 http://www.biographi.ca/en/bio/richard_maurice_22E... http://www.cbc.ca/player/play/1795950856 http://www.conacher-rosenfeld.ca/les_gagnants-winn... http://www.historymuseum.ca/cmc/exhibitions/hist/r... http://ourhistory.canadiens.com/greatest-moment/50... http://ourhistory.canadiens.com/greatest-moment/Ro... http://ourhistory.canadiens.com/player/Maurice-Ric... http://www.nhl.com/ice/page.htm?id=31167 http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p322524369